Tấm gương mẫu mực nhân văn
Thế hệ nào cũng có những bậc chính nhân quân tử. Nhưng có lẽ chỉ những cuộc cách mạng ở giai đoạn đầu đầy cam go, thử thách và ít lợi quyền mới tôi luyện được nhiều nhất những nhân cách phi thường, lưu danh thơm muôn thuở không chỉ vì những trọng trách đã đảm nhiệm, mà chủ yếu ở tài năng cái thế và đức độ sáng ngời. Những nhà chính trị chuẩn mực này tự sâu thẳm trí tuệ và tấm lòng đã thấu hiểu thiên chức giúp dân, giúp nước của mình và luôn hành động theo phong cách vị nghĩa chứ không mảy may qu
Theo lời kể của đồng chí Mười Hương (Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương), sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi nghe gọi mình là “Bác” trong lần đầu tiên từ Nam Bộ ra Hà Nội, Bác Tôn đã nheo mắt cười: “Đồng chí ơi, đừng kêu tôi là Bác. Tiếng Bác chỉ nên dành cho Bác Hồ của chúng ta thôi! Cứ gọi tôi là anh Hai Thắng…”. Chân thành, đôn hậu, giản dị và “tri nhân, tri kỷ” như thế, người con kiệt xuất của đất Long Xuyên đã đi vào lịch sử Việt Nam hiện đại như một hình mẫu tuyệt đẹp của người cách mạng. Mặc dù hơn Bác Hồ hai tuổi nhưng cho tới ngày cuối cùng làm việc bên nhau, Bác Tôn luôn kính trọng Bác Hồ như một nhà cách mạng lớp trên. Sự gần gụi trong quan hệ công việc và đời thường với Bác Hồ chỉ càng làm cho Bác Tôn thấm thía hơn tầm cỡ lãnh tụ của Người cha già dân tộc.
Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước thay Bác Hồ rồi, nhiều lần phân vân trước một vấn đề gì đó, nghe người thư ký riêng khuyên là “cứ làm đi vì trước đây Bác Hồ cũng đã làm như thế”, Bác Tôn đã trả lời: “Ông cụ là lãnh tụ, có những việc ông cụ làm được mà mình phải cân nhắc”… Bác Hồ cũng luôn gọi Bác Tôn bằng từ “Cụ”. Hai người đối xử với nhau thật trọng thị và cảm động. Tới những năm cuối đời, sức khỏe bị giảm sút, mỗi lần xuất hiện trước nhân dân là Bác Hồ lại dặn Bác Tôn: “Để tôi nắm tay Cụ đi cho đồng bào khỏi thấy”… Những nhân cách thực sự lớn luôn đoàn kết nâng nhau lên một cách tự nhiên chứ không làm lu mờ nhau đi bao giờ cả.
Sinh ra trong một gia đình không phải là nghèo, nhưng lớn lên, anh Hai Thắng đã biết tìm lên Sài Gòn vào học ở trường Bách nghệ để đi làm thợ, từ chối triển vọng học thêm để thành ông cai, ông ký. Có lẽ trong bản tính trời sinh của Bác Tôn đã ẩn chứa ham muốn tự tay mình làm thông thạo mọi việc liên quan tới kỹ thuật, không chỉ để đơn thuần kiếm kế sinh nhai mà còn có thể giúp đời. Môi trường vô sản rất đặc thù thời đó đã giúp anh Hai Thắng thấu hiểu được nhiều lẽ đời ấm nóng và giúp anh dần dà hình thành phong cách ổn định “sống nghĩa là hành động giúp người” của mình, coi đó là lẽ thường tình chứ không phải một công trạng hay đức tính. Một người như thế sớm hay muộn tất yếu cũng sẽ tìm tới con đường cách mạng vì chỉ làm cách mạng mới có thể làm thay đổi một cách căn bản cuộc đời của giới cần lao hay “những người bị tủi nhục”, nói theo cách của văn hào Nga Fiodor Dostoyevsky.
Đọc tất cả những bài viết hay hồi ký về Bác Tôn, dễ thấy là anh Hai Thắng ngay từ ngày trẻ đã bộc lộ tính khoan dung, tính khảng khái và không sợ bạo lực. Đó là phong cách của một “người mạnh bẩm sinh” (nói cho cùng, một chính khách chân chính phải là “người mạnh bẩm sinh”, tức là bước vào chính trường chỉ để cứu đời, cứu người, chứ không phải để vinh thân phì gia hay cố đấm ăn xôi để đạt mục tiêu “đã trót mang thân trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”).
Anh Hai Thắng lúc nào cũng luôn sẵn sàng xung phong làm những việc nguy hiểm nhất và cũng luôn sẵn sàng nhường nhịn đồng chí, đồng đội, bè bạn. Biết được điều này sẽ thấy không có gì lạ nếu trong cuộc binh biến tại Biển Đen năm 1919, vinh dự đầy nguy hiểm trèo lên kỳ đài treo cờ đỏ trên tàu chiến đang neo ở Hắc Hải chuẩn bị can thiệp vào nước Nga Xôviết lại được giao cho anh lính người Việt duy nhất trong đoàn thủy binh Pháp là Tôn Đức Thắng. Và anh Hai Thắng đã nhanh như sóc trèo lên kỳ đài, hạ lá cờ tam tài xuống, thay vào đó là là cờ thẫm màu máu. Có điều gì đó rất tự tin chính trực toát ra từ người lính thủy Việt Nam nhỏ thó khiến tên sĩ quan Pháp đã sờ tay vào vỏ bao súng ngắn rồi lại phải rụt tay lại không dám rút ra bắn người mà y cho là “kẻ phản loạn”. Cái vía của chính nghĩa đã át được sự ác độc của những kẻ tà tâm… Khi bị thực dân Pháp đưa ra giam giữ tại Côn Đảo, Bác Tôn cũng vẫn giữ nguyên phong độ can trường quen thuộc. Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Hoan, trong một lần đấu tranh tuyệt thực năm 1936 để phản đối tên chúa đảo gian ác Buriê, anh Hai Thắng (lúc này đã sang tuổi mụ 49) bị lũ cai ngục đánh bầm tím thân thể, đầu vỡ máu bế bết nhưng “vẫn thản nhiên” chịu đựng như không có chuyện gì xảy ra… Bọn Pháp rất muốn thủ tiêu anh Hai Thắng nhưng lại chơi trò ném đá giấu tay, đưa anh xuống làm cai rằng ở hầm xay lúa, một địa ngục trần gian tại Côn Đảo.
Thông thường, cai rằng có nhiệm vụ ép anh em tù nhân phải lao động kiệt lực để thực hiện đủ chỉ tiêu quá sức mà lũ cai ngục đã đặt ra và vì thế, dễ bị anh em tù nhân bất mãn, chán ghét, thậm chí lén giết chết. Thế nhưng, cai rằng Hai Thắng vừa xuống hầm xay lúa đã thẳng thắn nói: “Anh em xuốn xay bao nhiêu thì xay, còn Tây nó đánh tôi, nó làm gì tôi thì cứ mặc kệ tôi”. Không những thế, anh Hai Thắng cũng đã cố gắng tìm cách cải tiến cung cách làm việc tại địa ngục trần gian này sao cho hợp lý, cải thiện đời sống cho anh em tù nhân hơn. Thế là “gậy ông đập lưng ông”, âm mưu nham hiểm của kẻ thù đã bị thất bại, còn sức mạnh đoàn kết của khối tù nhân đã được cộng lại.
Uy vũ không khuất phục nhưng Bác Tôn lại rất ân cần, tới độ dịu dàng với những người yếu thế. Trong nhà tù, anh Hai Thắng luôn giúp đỡ, che chắn cho anh em đau yếu, kể cả tù hình sự… Tấm lòng và đức độ của người tù cộng sản biểu hiện qua những việc làm thực tế đã cảm hóa được không ít tay anh chị bị giam giữ ở Côn Đảo. Lãnh đạo khối tù nhân cộng sản ở Côn Đảo đã đúc kết được rằng, nếu cần làm dân vận, khi mà các tay lý luận kiệt xuất nhất nói không có tác dụng thì chỉ cần nhờ tới đồng chí Hai Thắng là chắc chắn sẽ thành công. Không phải là người có khả năng hùng biện đặc biệt nhưng anh Hai Thắng biết cách dùng “người thực, việc thực” của chính mình thuyết phục người khác.
Bác Tôn cũng là người rất tinh tế và ý tứ trong việc đối nhân xử thế. Sau này, khi trở thành Phó Chủ tịch nước, có lần hay tin một người bạn hoạt động cũ đang ở Lương Sơn, Hòa Bình, Bác Tôn đã tự tới thăm vì Bác nghĩ, lỡ đâu anh em thấy mình giờ làm chức vụ cao quá nên họ ngại mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”… Bác rất ngại phiền tổ chức, không thích xa hoa, tổn phí của công. Sổ mua hàng của Bác trong thời bao cấp được xếp vào hàng đặc biệt, tức là muốn mua thứ gì thì ghi vào thứ nấy, ghi hết trang này sang trang khác, hết quyển này được đổi sang quyển khác. Vậy mà năm nào gia đình Bác cũng chỉ dùng độc một quyển, mà trong quyển đó lại thừa rất nhiều trang… Cái xe đạp đơn sơ tự mua theo giá ngoài tới 18 đồng (trong khi giá cung cấp chỉ có 13 đồng) của Bác đi tới mười mấy năm mà lúc nào cũng trông như mới. Cho tới khi ngoài 80 tuổi, Bác Tôn còn thích đạp xe đi ngoài phố… Bác hay mặc áo nối vì theo Bác, lãnh đạo có mặc tùng tiệm như thế thì đồng bào mới có thêm điều kiện để trở nên no ấm. Thế là rất phải, khi đồng bào còn có người chưa đủ ấm no thì sự xa hoa nào của lãnh đạo cũng chỉ là biểu hiện của một sự suy thoái tinh thần mà thôi.
Trong bất cứ một công việc gì Bác Tôn cũng đều khổ luyện để đạt tới mức độ tay nghề thuần thục và luôn giữ cho mình thói quen thích làm việc một cách khoa học. Trong gia sản khiêm nhường của Bác Tôn luôn luôn có một hòm đồ nghề với đầy đủ kìm, búa, cờlê, mỏlết… Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn thích những công việc bình dị quen thuộc như sửa xe đạp hay rađiô chẳng hạn. Dường như trong lúc sửa xe đạp, Bác lại tìm thấy niềm vui khó có gì sánh nổi của cảm giác mình lại có ích với đời. Đến mức anh em trong đội bảo vệ của Bác ở Hà Nội khi bị hỏng xe đã phải giấu đi cho Bác khỏi nhìn thấy vì sợ Bác làm nhiều thì mệt…
Cả cuộc đời giản dị của mình, ngoài công việc sửa chữa xe đạp ra, hình như Bác Tôn ít có thú vui gì. Có chăng thì chỉ là sự đam mê bơi lội. Năm 90 tuổi, Bác Tôn còn xuống biển Đồ Sơn bơi. Sinh ra trong vùng sông nước Cửu Long, lại là một thủy binh từng qua nhiều đại dương, Bác Tôn có lẽ luôn giữ trong lòng một niềm khao khát cái mênh mông, phóng khoáng, dữ dội mà chân thành của biển…
Một con người đáng quý trọng, hữu nhân hữu dũng như thế, dù không để lại một dòng chữ lý luận cách mạng nào, cũng vẫn xứng đáng là một pho sách quý cho đời sau soi vào học tập tấm gương vĩ đại. Mỗi một ngày Bác Tôn đã sống là một trang sách “cảo thơm” cho cháu con “lần giở trước đèn”.